Bọn xóm Củi kia còn đòi vào viện kiếm anh tiếp, nhưng may có mấy người bạn làm phụ hồ cùng biết chuyện nói với ông B chủ thầu xây dựng. Như đã nói, ông B là người có số má, anh Vũ nhiều năm làm thợ cho ổng nên coi như lính rồi. Ổng bắn tiếng với bọn kia: “Thằng Vũ nó đánh con em mày, bên mày đã chém nó một nhát, mọi chuyện coi như bỏ qua đi”. Bên kia cũng vì nể ông B nên thôi, không truy cứu anh Vũ nữa.
Dì Vân sau khi thăm hỏi tôi, kể xong tình hình anh Vũ như thế thì ra về.
Tôi thì đã đỡ đau nhiều rồi. Mẹ nấu cháo và pha sữa cho tôi uống rồi cho tôi uống thuốc. Còn lại ba người, ba bàn với mẹ:
“Vũ có phải thằng thợ có ông chú bị tai nạn, trước có xây cái sân ngay giếng cho nhà mình không?”
Mẹ đáp “Đúng rồi anh”.
Nói thêm một chút, nhà tôi là một căn nhà một trệt, một lầu, nằm giữa khu vườn. Từ cổng vườn tới nhà cũng phải mấy chục mét. Tầng trệt là phòng khách, bếp, phòng tắm, và phòng ngủ của ba mẹ. Trên lầu là phòng tôi và một phòng trống để khi có khách thì dùng (sở dĩ nhiều phòng thế vì trước ở đây gồm ông bà ngoại và ba người cậu). Bên hông nhà là một giếng nước lâu đời, nước rất ngọt mát, lúc nào cũng nhiều nước. Có một hệ thống bơm nước bằng điện vào nhà. Nhưng ngay cái giếng cũng có bơm tay. Ba mẹ tôi cho xây một cái sân xi măng to rộng xung quanh giếng, nơi đó để giặt đồ, làm đồ ăn, rửa rau rửa cá thậm chí rửa xe. Rất sạch sẽ, rộng rãi, thoải mái. Cái sân này, là do anh Vũ và chú xây, mở rộng trên nền đất cũ.
Ba tiếp lời:
“Ừ thằng đó tháo vát, siêng năng. Lúc làm ở đây anh có nói chuyện với chú nó, biết nó mồ côi. Ở quê nghèo còn mẹ nữa. Nay vì cứu thằng Nam mà nó bị người ta chém đến như thế, không biết có tàn tật gì không. Nó là dân lao động, rủi có gì thì làm sao kiếm sống đây? Sáng mai sau khi đám giỗ mẹ xong, cô với tôi vào viện thăm nó, tôi muốn giúp nó một chút.” (ba tôi vốn xưng hô với mẹ như thế, nghe nó rất xa cách).
Tôi nhảy vào: “Cho con vào thăm với”
Ba hừ giọng: “Ừ mày cũng vào cám ơn một tiếng”.
Mẹ hỏi “Anh định giúp người ta thế nào?”
“Cái chái nhà nho nhỏ hồi đó cậu tư ở ngoài đó, giờ cho thằng Vũ ở. Có gì nó dọn dẹp vườn tược làm cỏ, tỉa cây cho. Sẵn nó giúp trông nom vườn luôn. Rộng quá mà có hai mẹ con. Nó ở đó sẽ đỡ tốn tiền trọ, mỗi tháng cho nó thêm vài trăm, một triệu coi như công làm cỏ, quét dọn, đốt lá … Tập đoàn điện tử X mới mở xưởng ở khu công nghiệp được 1 năm nay, công nhân lương rất tốt 6-7 triệu. Tôi quen bên nhân sự, để coi sức khỏe của thằng Vũ có đi làm được không tôi sẽ xin cho nó vào đó.”
Cái nhà nhỏ nhỏ ba tôi nói là một căn nhà lá, nằm về bên trái nhà tôi, cách khoảng 30 mét. Trước khi đi nước ngoài, cậu tư trồng cây trái nhiều, nuôi gà nuôi vịt nên thích ở ngoài đó cho mát mẻ. Đồng thời trông coi đàn gia cầm và tưới tắm, chăm sóc vườn cây ăn trái. Nơi đó có mái nhà nhỏ, và một cái nhà kho nhỏ kế bên chứa vật dụng làm vườn cuốc, xẻng, phân, thuốc trừ sâu, thức ăn cho gia cầm v…v
Từ hồi các cậu đi, đúng là vườn tược không ai chăm sóc trở nên hoang, cỏ dại mọc nhiều. Lâu lâu mẹ phải tốn tiền thuê người dọn cỏ, quét dọn, chặt cành, tỉa cây v…v
Mẹ đáp “Nhưng nhà đó bỏ cũng lâu rồi. Muốn ở phải sửa sang một chút, thay mái lá v…v”
“Ừ không đáng bao nhiêu đâu. Để mai vào thăm nó rồi tính.”
Hôm sau, ba người nhà chúng tôi vào viện thăm anh Vũ. May sao, bác sĩ cho biết mặc dù phải may mấy chục mũi, nhưng vết thương của anh chỉ ở phần mềm, không đứt gân hay xương, nằm 15 ngày là có thể xuất viện rồi. Tay vẫn bình thường không bị ảnh hưởng di chứng gì cả.
Nghe lời đề nghị giúp đỡ của ba tôi, và lời phân tích làm thợ xây rất nguy hiểm, tấm gương ông chú còn đó. Làm công nhân công ty điện tử thì lương hướng rõ ràng, có bảo hiểm, chế độ đầy đủ. Anh Vũ nghe lời ba tôi, chấp nhận và cảm ơn lời giúp đỡ.
Sau khi bình phục, anh Vũ vĩnh viễn có một vết sẹo dài hơn một gang tay từ cầu vai xuống cùi chỏ. Tuy nhiên tay anh vẫn khỏe mạnh bình thường, vẫn đánh bóng chuyền rầm rầm. Anh nghỉ nghề thợ xây, vào làm công nhân. Sinh hoạt điều độ, đúng giờ theo ca kíp nên cũng ít nhậu nhẹt hơn trước như khi làm với đám bạn thợ hồ, để tiền gởi về quê cho mẹ.
Và anh cũng đã dọn vào vườn nhà tôi ở. Thi thoảng anh giúp dọn dẹp cho vườn đỡ hoang tàn thôi chứ nhà tôi không bắt anh phải làm nhiều. Anh ở đó lại tiết kiệm thêm được một khoản vì không phải thuê nhà trọ nữa. Vì sống gần nhau nên hai anh em càng thân thiết hơn. Tôi cũng hay ra căn nhà lá của anh chơi.
Từ đó, khu vườn này ngoài hai mẹ con tôi , đã có thêm một thành viên mới. Và mẹ cũng có thêm một người bạn mới để bàn …. phim kiếm hiệp, phim truyền hình. Đó là anh Vũ.
Mẹ ở nhà làm thợ may cũng không quá đắt khách nên thời gian rảnh rỗi nhiều. Vì thế giống nhiều người nội trợ khác, mẹ thích xem phim bộ kiếm hiệp, phim Hàn Quốc, Trung Quốc, hay thuê mấy bộ tiểu thuyết của “sư tổ ngôn tình” là bà Quỳnh Dao về đọc giải khuây.
Anh Vũ dọn vào ở chung với chúng tôi đã được vài hôm. Anh khá hợp cạ với mẹ vì anh cũng thích xem chưởng Tàu Kim Dung và phim Hàn Quốc nữa, mấy bộ hay hay như Iris ấy. Mái nhà lá của anh thì không có tivi, chỉ có một đường dây điện câu từ nhà tôi ra để anh sinh hoạt. Anh bảo có tiền sẽ mua cái tivi cũ coi chơi. Vì thế, nếu đi làm về, không đi nhậu hay cà phê ở quán với bạn bè, anh cũng hay sang nhà tôi xem phim ké. Mẹ có anh xem chung bàn luận cũng đỡ buồn hơn khi xem một mình. Tôi thì xem hay không cũng được vì sở thích của tôi đã nói ở trên rồi.
Anh vẫn giữ được thói quen tốt tập luyện thể thao điều độ. Chiều chiều anh đi làm về vẫn đi đá bóng, đánh bóng chuyền cho đã rồi mới tắm rửa, ăn cơm. Có một điều bất tiện là nhà lá của anh không có nước sạch, anh phải đến sân chỗ giếng nước nhà tôi tắm và giặt giũ ở đó luôn.
Giống như anh, buổi chiều mẹ cũng tập aerobic, yoga ở nhà.
Hôm đầu tiên khi anh Vũ đến ở, khi chơi thể thao về, người ròng ròng mồ hôi, anh ôm thau quần áo sang ngồi ở ghế đá bên hông nhà (gần sân giếng) chờ ráo mồ hôi rồi tắm. Bên trong nhà thì tiếng nhạc tập của mẹ vang lên sôi nổi, anh tò mò bước vào xem. Mẹ thấy anh thì ngượng ngùng ngừng tập rồi cũng bước ra hóng mát.
Anh ngồi ở ghế đá còn mẹ đứng trên thềm nhà, tôi thì ngồi ở lan can gần đó đọc truyện tranh.