Âm Dương

[Cắm cành cây: Tục lệ của một số dân tộc miền Tây bắc – Lao Kai. Khi trong bản có đám tang hoặc sự việc quan trọng không muốn có người lạ tham gia họ sẽ treo một chùm lá hoặc gài một cành lá tươi trên lối đi vào bản hoặc vào nhà. Khách lạ bước qua dù cố ý hay vô tình cũng sẽ bị phạt vạ.]

Cơn gió trong đêm vắng hú lên rồi cắt băng qua đỉnh mỏn đá chìa ra phía vách núi, trong đêm tối mịt mùng, chiếc cửa hang đen ngòm như một con quái vật chực chờ nuốt chửng những sinh linh đi ngang qua nó, một vài con vật kiếm ăn đêm như ngửi thấy âu đây mùi nguy hiểm nên không con nào dám bén mảng đến bên cạnh hang. Trong tiếng gió lạnh buốt thốc ra từ cửa hang như loáng thoáng kèm theo tiếng gầm gừ nghe gai gai “Hà…hừ…..hừừư…..”. Sâu tít trong hang một cặp mắt như hai đốm lửa đỏ ké nhìn xoáy ra cửa. Con heo rừng bị một con trăn rượt đuổi cuống cuồng chạy rồi đâm tọt vào miệng hang, nó bỗng khựng lại bởi một luồng gió độc thốc vào nó, cả cơ thể nó cứng đơ rồi từ từ khuỵ xuống, khắp người nó ri rỉ ra toàn máu, chả mấy chốc cơ thể nặng gần tạ của con heo cứ tóp dần rồi co lại chỉ còn lại một túi da bọc bộ xương bên trong, đâu đây có tiếng liếm mép mơ hồ cùng tiếng lẩm bẩm
– Máu….ta thèm…máu…hừ….hừ

*
***

Phong tỉnh giấc khi tiếng động lịch kịch ngoài sân vọng vào, buổi sớm không khí miền sơn cước lạnh cắt da, choàng chiếc áo khoác vào người chàng định bước ra phía cửa thì đã thấy Hoa tươi cười bưng trên tay chậu nước ấm bước vào
– Anh dậy rửa mặt cho tỉnh ngủ ạ!
– Chà! Hoa cứ để kệ tôi! tôi làm được mà – chàng khách sáo!
…..
– À! Hoa này! ở gần đây có cái hang nào tên là…hình như là Con hay Cỏn gì đó không?
– Có đấy anh!Hang Cỏn anh ạ. Anh vừa lên sao biết đến hang ấy? nghe dân bản ở đây bảo hang ấy thiêng lắm, hồi trước có mấy người không biết đi lạc vào rồi không thấy trở ra nữa!

Phong lạnh mình khi nhớ đến giấc mơ đêm qua, trong giấc mơ có một tiếng gọi huyền bí cứ thôi thúc chàng đi về phía hang Cỏn, giờ đây giấc mơ ứng đúng với cái tên hang làm chàng cảm thấy nơi rừng thiêng này có bí mật gì đó đang lôi kéo chàng.

Bữa sáng của chàng và Hoa với 2 bát mì tôm xong xuôi, chàng đang tính vác máy ảnh đi quanh mấy cánh rừng chụp một ít ảnh làm tư liệu thì đầu nhà đã thấy xôn xao mấy giọng nói của dân bản gọi tên Hoa. Trao đổi với mọi người xong Hoa quay sang giải thích với chàng là Già bản đêm qua lên cơn sốt cao li bì. Mo bản đã cúng cả đêm nhưng không ăn thua. Chàng vơ vội cái ba lô trong ấy có một ít thuốc phòng thân và đi theo Hoa vào bản xem có giúp được gì không!

Chỉ một viên EffeRangan mang theo của chàng nửa tiếng sau Già bản đã dứt cơn sốt. ông cụ cứ cầm tay khen thuốc của cái cán bộ miền xuôi hay mãi rồi gọi mấy đứa con đi làm cơm mời Phong.

Chàng tỉnh giấc trong cơn nhức đầu như búa bổ vì thứ rượu tự cất của bản, Qua cơn sốt, Già bản đã ngồi chân cầu thang bập bùng tẩu thuốc trên miệng nhìn chàng cười móm mén như ông ngoại đang trông chừng đứa cháu. Bất đồng ngôn ngữ nên chàng chỉ bất lực cười trừ. Hai chú khỉ con nghịch ngợm lăng xăng bò lên vai lên tóc chàng rứt rứt. Đến lúc xong buổi dạy Hoa quay lại nhà già bản chàng mới có “thông dịch viên” để nói chuyện với cụ già.

Câu chuyện giữa chàng và già bản qua lời thông ngôn của Hoa làm hai người ngày càng thêm hiểu nhau, đời người có nhiều con đường dẫn đến chữ “Duyên” chàng với cụ có lẽ có gì đó là “Duyên” gặp gỡ chăng. Càng trò chuyện ông cụ càng khoái Phong đến sâm sẩm tối thì Phong đã như đứa cháu của cụ. Trước lúc chào ông cụ để về chỗ của Hoa cụ bảo Phong đợi cụ một chút, đoạn sai đứa cháu đi kêu Mo bản lại.
Hai người lui cui khấn vái nơi bàn thờ một chút rồi trịnh trọng cầm ra một vật quấn trong mảnh vải đỏ đã sậm màu. Già bảo
– ơn cho thuốc, già chẳng có gì tặng con. Thôi thì vật tổ truyền này, già tặng con, coi như con có duyên với ta và với nó.

Đoạn, Cụ giở mảnh vải ra, trên ấy là một con dao bằng đồng cổ nước da đã ngả mầu sậm, lốm đốm những vệt xanh và nâng niu trao cho chàng.

Như có một luống gió lạnh chạy dọc sống lưng khi bàn tay chàng cầm lấy chuôi dao, một cảm giác liên quan như một bộ phận của cơ thể kết nối giữa chàng và con dao bằng đồng cổ.Chàng ngước đôi mắt phân vân nhìn Già làng và Mo bản. Mo bản cười bảo:
– Ta đã tính ra rồi. Con với vật này có duyên lớn với nhau. Xứ rừng này sẽ còn nhiều kỳ ngộ chờ con khám phá. Ta chỉ có thể nói thế thôi, đến đâu con sẽ hiểu đến đó.

Chàng mang theo những băn khoăn về cuộc gặp gờ bất ngờ này về nơi ở của Hoa. Cô cười bảo
– Ở đây còn nhiều chuyện huyền bí lắm. Em ở đây gần 2 năm rồi mà nhiều chuyện cứ như đi lạc rừng ấy, chả hiểu gì cả.

*
***

Buổi sáng ngày thứ hai xứ rừng thẳm, chàng tỉnh giấc trong cái cảm giác mơ hồ của giấc mơ đêm qua lại hiện về giống như đêm trước, cảm giác thôi thúc chàng đi về phía hang Cỏn ngày càng mãnh liệt. Bản tính tò mò khiến chàng không nhịn được, tặc lưỡi vắt balô lên vai chàng hỏi thăm Hoa đường lên hang. Một thoáng tần ngần Hoa bảo chàng.
– Hay để em nhờ mấy thanh niên bản đi cùng anh cho an toàn! Nghe nói hang đó thiêng lắm, chả ai dám đến gần đâu
– Thôi Hoa ạ! Đang vào mùa đi rừng, Anh tự đi được, làm phiền họ làm gì!

Cô bậm môi suy nghĩ một chút rồi, quả quyết
– Để em đi với anh, em chưa lên đấy bao giờ nhưng biết đường lên. Từ hôm nay bọn trẻ nghỉ học mấy nừa để đi rừng hết nên em không phải dạy

Chạy vào thu xếp một ít đồ đạc khoác lên lưng, cô và Phong cùng hướng về phía dãy núi xám xịt cất bước….

– Phải nhanh thôi anh ạ, Y như trời sắp mưa, em lo lũ về mình kẹt ở đây mất.

Hoa vừa đưa tay lau những giọt mồ hôi rịn ra trên gương mặt hồng ửng của cô vừa giục Phong, Rút chiếc khăn trong ngăn nhỏ của balô chàng vô tình đưa lên lau những giọt mồ hôi trên trán cô khiến Hoa đỏ bừng mặt ngượng nghịu. Ngước nhìn miệng hang như miệng con quái vật thấp thoảng phía xa xa chàng bậm môi:
– Nhưng sợ Hoa mệt! Để Hoa ở lại bản có lẽ hay hơn!
– Để anh đi một mình sao được, nguy hiểm lắm! Thôi, đến đây rồi quay về cũng chả kịp đâu, gắng lên không có kẹt giữa rừng mất!
Mấy trăm mét đường dốc cũng khiến hai người mất đến cả giờ đồng hồ vì những mỏn đá và vô số khe hẹp phải dắt nhau qua. Trời đất như tối sập lại rất nhanh để chuẩn bị cho một cơn mưa kinh hoàng- mưa rừng!

Previous page 1 2 3 4 5 6 7 8 9Next page
Back to top button